Aug 25 2023 19:55 — 6 min read

Sẽ ra sao nếu tôi cũng có "hạn sử dụng"

#thought #til #vietnamese


Bài viết này đi từ những hiểu lầm xung quanh ngày hết hạn đến một số kiến thức thú vị về ngày hết hạn và tôi hay bạn chúng ta có hết hạn sử dụng không? Hãy đi vào từng mục bạn quan tâm nhé.

English version:
What if I have an expiration date?

Những hiểu lầm

Food Ảnh bởi ILLO

Sản phẩm sẽ hỏng ngay sau hạn sử dụng

Một trong những ngộ nhận của tôi khi còn nhỏ và ít nhiều ảnh hưởng tới cảm nhận của tôi mỗi khi cầm trên tay một sản phẩm. Hồi nhỏ tôi cho rằng có một ranh giới trong thời hạn sử dụng sản phẩm, chỉ cần qua ngày hết hạn ghi trên bao bì, thực phẩm đó sẽ ngay lập tức chuyển từ tốt/ngon → hỏng/tệ. Nhiều lần suy nghĩ đó làm tôi cứ tần ngần mãi một cái bánh ngon tôi được cho mà chưa dám ăn nhưng lỡ đã qua cái hạn sử dụng một ngày, cuối cùng tiếc rẻ mà đành vất đi.

Thực ra không phải, ngày hết hạn chỉ thể hiện khoảng thời gian cam kết chất lượng giữa nhà sản xuất và khách hàng. Nghĩa là sau ngày hết hạn đó, sản phẩm có thể không còn mang chất lượng tốt nữa.

Tuy nhiên đối với các mặt hàng hóa họ sử dụng từ Use By date nó thực sự có nghĩa là hết hạn thật, và bạn không nên sử dụng chúng nữa.

Các nhà sản xuất không xác thời hạn sử dụng chính xác tuyệt đối

Một số người cho rằng, các nhà sản xuất sẽ kiểm thử sản phẩm bằng cách thử sản phẩm mỗi ngày cho đến khi sản phẩm đó thay đổi chất lượng, sau đó xác định mẫu số chung của các thí nghiệm để xác định khoảng thời gian dùng tốt nhất cho sản phẩm.

Điều này không hoàn toàn đúng, hãy nghĩ thử đến một số mặt hàng có hạn sử dụng 3-4 năm, liệu có khả thi khi cứ phải chờ đợi một khoảng thời gian dài như vậy.

Thực tế, họ tiến hành các thí nghiệm và đưa sản phẩm vào các điều kiện khác nhau, ví dụ như đồ ăn để trong điều kiện thời tiết nóng để xác định độ phát triển của vi khuẩn gây hỏng từ đó áng chừng khoảng thời gian phù hợp trong thực tế.

Vậy nên hãy tin vào giác quan của bạn để xác định có nên sử dụng sản phẩm đó nữa hay không. Như một câu nói vui tôi vẫn hay nói với mọi người khi nhìn họ trong tình huống giống tôi hồi bé: “Đừng lo, cứ ăn đi! nó chứa nhiều chất bảo quản lắm không thể hỏng được đâu.”

Những điều thú vị

funfact Ảnh bởi Muni Sekhar

Expiry date và Expiration date

Trên bao bì, một số sản phẩm bạn sẽ thấy họ ghi Expiry date, số khác lại ghi Expiration date, liệu có chuyện sau expiration date đồ ăn chỉ không ngon còn sau expiry date mọi thứ sẽ biến thành độc, thậm chí gây chết người nếu ăn phải? Câu trả lời là Không. Chúng có nghĩa giống nhau, chỉ khác ở cách sử dụng, trong khi expiry date được sử dụng phổ biến trong tiếng Anh-Anh thì expiration date được sử dụng nhiều trong tiếng Anh-Mỹ.

Không giống như Mỹ, expiry date là thông tin bắt buộc phải in trên các bao bì của nhiều sản phẩm ở Anh, và được sử dụng phổ biến từ 1970.

Hãy xem biểu đồ phía dưới về mức độ sử dụng cả hai từ trong các tác phẩm văn học. Trong khi các nhà văn Mỹ chỉ dùng từ expiration date thì các nhà văn Anh có tần suất sử dụng gần như đều ở cả hai từ.

![[chart-expiry-date.png]] Chú ý: Phạm vi đánh giá chỉ xét trong những cuốn sách được xuất bản viết bằng tiếng Anh từ năm 1800.

Đồ ăn cấp đông có thể dùng vô thời hạn

Vi khuẩn không thể hoạt động khi bị đông lạnh thế nên một đồ ăn có thể được dùng vô thời hạn khi nó được cấp đông, tuy nhiên khi được mang ra ngoài môi trường bình thường cần chế biến ngay vì khi đó vi khuẩn sẽ hoạt động trở lại và làm hỏng đồ ăn.

Fun Fact

  • Đồ ăn khô như gạo có thể giữ thời hạn rất lâu, tới 25 năm.
  • Bánh Twinkies đóng gói thậm chí có thể giữ thời hạn 30 năm.
  • Mật ong không có hạn sử dụng vì mức độ đậm đặc của nó khiến không vi khuẩn nào có thể thâm nhập được.
  • Thường thì nước không có hạn sử dụng nhưng nước đóng chai thì có. Lý do đến từ các chai nhựa sẽ ngấm dần các chất của nó vào nước gây hại trong thời gian dài.

Chúng ta có hạn sử dụng không?

borntoexpire Ảnh bởi Lyndsey

Tôi nhận ra mọi thứ mình biết trên đời đều có thể gắn hạn sử dụng, ngay cả kiến thức khoa học, chúng ta đã từng tin một cách tuyệt đối vào việc Trái Đất là trung tâm vào vũ trụ, còn giờ là thuyết Nhật tâm. Bạn nghe đi nghe lại một bài nhạc tuyệt vời nhưng đến một ngày bản nhạc đó không còn khiến bạn nhún nhảy nữa. Cái người ngày xưa nói ở bên bạn suốt đời, nhưng rồi lại rời đi không nuối tiếc.

Và hình như cả chính tôi hay bạn một ngày cũng sẽ hết hạn sử dụng, chúng ta tệ hơn, tha hóa hơn, gắt gỏng, khó chịu với mọi thứ xung quanh, làm những thứ đi ngược lại các tiêu chuẩn xã hội.

Giống như một nhân vật trong tác phẩm Lão Hạc (hay bộ phim Làng Vũ Đại ngày ấy) đã từng nói:

Đời mình rồi sẽ ra sao? Sẽ mốc meo, gỉ đi, mòn mục ra như mọi cảnh vật quanh đây. Mình sẽ chết mà chưa hề được sống. Chết trong lúc còn đang sống mới thật khốn khổ, thật nhục nhã.
— Ông giáo Thứ

Một giáo Thứ1 sống mòn sau lũy tre làng; và để thấy một Bá Kiến giàu có, lộng hành nham hiểm và độc ác ức hiếp dân lành. Và chính cái xã hội ấy đã dồn nén, đùn đẩy con người đến tận cùng để nảy nòi ra một Chí Phèo lưu manh mang trong người tất cả những bệnh hoạn xấu xa nhất của xã hội phong kiến thối nát ở nông thôn Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ XX.

Tôi không mong tôi như thế.
Tôi mong bạn là món mật ong - không bao giờ hết hạn.


Footnotes

  1. Ông giáo Thứ hay còn gọi Ông giáo, là nhân vật chính trong truyện ngắn của Nam Cao, Lão Hạc hay như bộ phim Làng Vũ Đại Ngày Ấy.